Yêu văn hoá Nam bộ và hành trình phục dựng dòng gốm Biên Hoà xưa
Trót yêu dòng gốm cổ Biên Hoà có nguy cơ mai một, anh Mai Thanh Xin (TP. Biên Hòa) và các cộng sự có cùng đam mê thành lập Công Ty Gốm Biên Hòa với ước mơ phục dựng, lan toả giá trị độc đáo của dòng gốm cổ Nam bộ xưa.
Gốm Biên Hoà – dòng gốm cổ ôm trọn nét đẹp văn hoá Nam bộ xưa
Gốm Biên Hòa xuất phát từ sự giao thoa của các dòng gốm Việt, Chăm, Hoa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ thế kỷ XVII, cộng với kỹ thuật tạo tác, pha chế men màu của phương Tây. Từ đó, đã hình thành một quy trình sản xuất gồm các công đoạn rất khác biệt như: phối liệu đất (tạo ra các loại đất in, đất xoay và đất rót), khắc chìm, chấm men và nung. Đáng chú ý, men màu xanh đồng trổ bông là đặc trưng tiêu biểu và cũng là tinh hoa của dòng gốm Biên Hòa. Thậm chí, trong nghệ thuật làm gốm ở Việt Nam, chỉ có màu men tại Biên Hòa mới có danh xưng được cộng đồng quốc tế là công nhận là “Vert de Bienhoa”.
Giai đoạn năm 1923 - 1960 được xem là thời kỳ hoàng kim của dòng gốm Biên Hoà. Năm 1923, gốm Biên Hòa của trường dạy nghề Biên Hoà do bà Balick - Trưởng Ban Gốm cùng những cộng sự người Việt đã khoác lên gốm Biên Hoà chiếc áo mới khi phát minh ra các loại men đặc biệt: men làm từ tro, men đá đỏ, men xanh đồng “Vert de Bienhoa” đã gây tiếng vang lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau đó, trường đã thành lập Hợp tác xã Mỹ nghệ, thu nhận các học sinh tài ba đã tốt nghiệp làm thợ gốm. Chính từ nơi này, gốm Biên Hòa đã được phổ biến rộng rãi.
Các sản phẩm gốm Biên Hoà đa dạng về chủng loại, cân đối và hài hòa trong từng tạo hình và nội dung các hoa văn trang trí: bình, đôn voi, đôn trống, chân đèn,…
Hành trình phục dựng dòng gốm cổ Biên Hoà
Xuôi theo dòng chảy thời gian, những hào quang trong quá khứ cũng nhanh chóng biến mất với gốm Biên Hòa. Số lao động nghề gốm ở các cơ sở tại Biên Hòa đều đã lớn tuổi và chưa có lao động thay thế. Điều này đã khiến gốm Biên Hoà dần mai một theo năm tháng.
Tình yêu với nét đẹp văn hoá Nam bộ ăn sâu trong tâm trí, anh Mai Thanh Xin đã lựa chọn và không ngần ngại xung phong rót vào dòng gốm cổ Biên Hoà một sức sống mới khi thành lập Công Ty Gốm Biên Hoà với mong muốn làm sống dậy và lan toả đến các thế hệ trẻ những nét đẹp văn hoá cổ xưa mà dòng gốm này sở hữu.
Để có được những sản phẩm mang hồn cốt của gốm Biên Hòa xưa mà không làm thay đổi về bản chất vốn có của dòng gốm này, anh Xin và cộng sự đã lặn lội khắp vùng đất Biên Hoà để tìm bằng được những nghệ nhân lớn tuổi mời về xưởng chế tác. “Việc tìm kiếm nghệ nhân kinh nghiệm lâu năm từ các làng gốm đã khiến chúng tôi mất rất nhiều tâm sức” - anh Xin thổ lộ.
Hiện các sản phẩm gốm Biên Hòa đã tạo được dấu ấn với người tiêu dùng. Nhưng để phát triển bền vững, anh Xin đã chọn hướng đi riêng có phần táo bạo, đó là ngoài việc tôn giữ linh hồn của gốm Biên Hoà, thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm và chọn hoa văn, câu chuyện để kể trên gốm đều phải thực sự thuần Việt.
Tranh Đông Hồ, các điển tích nhân vật lịch sử, cây hoa lá,... và bách boa là chủ đề chính của dòng gốm Biên Hòa hiện đại mà Công Ty Gốm Biên Hòa đang định hướng phát triển. Lấy cảm hứng từ những câu chuyện mang linh hồn Việt chính là lý tưởng mà Công ty muốn mang văn hóa Việt Nam vươn ra thế giới.
Hiểu rõ thực hiện khát vọng hồi sinh Gốm Biên Hòa rất khó, song quan trọng nhất vẫn là đầu tư chất lượng, nâng cao tay nghề và bồi đắp thêm nhưng giá trị nghệ thuật cho từng nghệ nhân.
Công Ty Gốm Biên Hòa không ngừng lan toả nét đẹp gốm Biên Hoà xưa. “Hồi sinh linh hồn” gốm Biên Hoà là khát vọng của người đã trót kết duyên với gốm như anh Mai Thanh Xin. Bởi gốm không chỉ là sản phẩm trang trí đơn thuần mà gốm còn mang cả diễn trình của lịch sử, những thăng trầm của vùng đất Nam bộ xưa về với hiện tại, là dấu ấn giá trị vàng son cần được lưu truyền.
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/yeu-van-hoa-nam-bo-va-hanh-trinh-phuc-dung-dong-gom-bien-hoa-xua-1178854.ldo