Công ty Gốm Biên Hòa khát vọng tìm lại hào quang cho dòng gốm cổ
Với tình yêu lớn dành cho dòng gốm cổ, anh Mai Thanh Xin - Giám đốc Công ty Gốm Biên Hòa - cùng các cộng sự đang nỗ lực để làm "sống" lại dòng gốm Biên Hòa nổi tiếng đang dần mai một.
Gốm Biên Hòa - Nét đẹp văn hóa hơn 3 thế kỷ
Theo các tài liệu cũ ghi chép lại, nghề gốm thủ công ở Đồng Nai đã có từ nửa cuối thế kỷ 19. Nhưng phải đến đầu thế kỷ 20 - khi Trường Dạy nghề Biên Hòa (hiện là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai) xuất hiện - gốm Đồng Nai mới thật sự ra đời.
Ngôi trường thành lập vào năm 1903, với mục đích đào tạo thợ thủ công và khôi phục lại một số nghề truyền thống như đan lát, vẽ tranh, điêu khắc, khảm trai... Đến năm 1923, khi ông Robert Balick (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Trang trí Paris) làm Hiệu trưởng và vợ là bà Mariette Balick (tốt nghiệp Trường Gốm Limoges) làm phụ tá thì nhà trường chuyển sang đào tạo và dạy nghề làm gốm là chủ yếu.
Từ khi tiếp quản ngôi trường này, ông bà Balick đã tìm tòi nghiên cứu các công thức làm men, tạo hình sản phẩm gốm bằng sự phối hợp từ nhiều dòng gốm khác nhau và cả những công thức tự sáng tạo từ nguồn nguyên vật liệu bản địa. Sản phẩm gốm của nhà trường ngày càng nổi tiếng cả trong - ngoài nước, được Chính phủ Pháp tặng huy chương khi tham dự Hội chợ Quốc tế Paris năm 1925 và định hình dòng gốm Biên Hòa, khác biệt so với các dòng gốm lâu đời khác như gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu...
Nét đặc trưng của gốm Biên Hòa là gam màu tươi tắn, hoa văn họa tiết rực rỡ, mang lại cảm giác đầm ấm, tươi vui cho người xem. Hoa văn trên gốm Biên Hòa chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp khắc chìm hoặc khắc chìm kết hợp với chạm lộng và men màu lửa trung (màu sắc tươi sáng).
Sản phẩm được vẽ thủ công bởi những đôi bàn tay điêu luyện của người thợ gốm Biên Hòa với các chủ đề gần gũi với cuộc sống như bách hoa, mai lan cúc trúc, bức tranh sinh hoạt văn hóa của các dân tộc Việt Nam, phong cảnh quê hương hoặc miêu tả các điển tích... Tất cả đều hàm chứa ý nghĩa chúc tụng cát tường như ý, vốn đã "bén rễ" trong thị hiếu thẩm mỹ của dân tộc lâu đời.
Nhờ đó, gốm Biên Hòa sớm định hình được tên tuổi trên thị trường, được mang đi giới thiệu tại nhiều nước và giành các giải thưởng lớn như Huy chương vàng tại Triển lãm Quốc tế Paris (1925 và 1933), tham dự triển lãm tại Nagoya (Nhật Bản, năm 1937), Bangkok (Thái Lan, năm 1953 và 1955), PhnomPenh (Campuchia, năm 1957)...
Nỗ lực tìm lại ánh hào quang cho gốm Biên Hòa
Cùng với sự phát triển của xã hội, các lò gốm công nghiệp - sản xuất với quy mô hàng loạt đi kèm với giá cả cạnh tranh - xuất hiện, trở thành "đối thủ nặng ký" với các xưởng gốm thủ công mỹ nghệ. Nhiều cơ sở làm gốm Biên Hòa chuyển đổi sang chỉ làm chậu, đôn, khạp...
Nghệ nhân gốm Biên Hòa cũng dần chuyển nghề. Có người làm công nhân ở các nhà máy, người thì chạy xe... Chỉ còn số ít người bám trụ vì tình yêu gốm hoặc vì nghề gia truyền. Theo Hiệp hội Gốm Mỹ nghệ Đồng Nai, năm 2000, gốm mỹ nghệ Biên Hòa có hơn 300 cơ sở làm nghề; thì những năm gần đây chỉ còn chưa đầy 40 cơ sở với doanh thu khá khiêm tốn.
Là người có tình yêu mãnh liệt với gốm Biên Hòa, anh Mai Thanh Xin quyết tâm làm "sống" lại hào quang một thời của dòng gốm cổ. Đầu năm 2022, anh cùng các cộng sự lặn lội tìm kiếm và tập hợp nhiều nghệ nhân chuyên về gốm Biên Hòa từ các làng gốm nổi tiếng như Tân Vạn, Tân Hạnh, Hóa An... cũng như nhiều thợ chấm men tay nghề cao để thành lập nên Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Gốm Biên Hòa.
Doanh nghiệp tập trung sản xuất các sản phẩm gốm theo kỹ thuật làm gốm Biên Hòa cổ, với đa dạng kiểu dáng và chủng loại như đôn voi, đôn trống, đôn trụ, chóe, các loại bình hoa, đĩa trang trí, tượng thú, chân đèn... Hoa văn trang trí cũng phong phú từ hoa văn truyền thống của dân tộc đến những họa tiết riêng của vùng miền và nhiều họa tiết hiện đại khác.
Các sản phẩm của Công ty Gốm Biên Hòa khi ra lò không chỉ đạt yêu cầu về kỹ thuật tạo hình; mà còn phải đạt màu men truyền thống đặc trưng của gốm Biên Hòa cùng những sáng tạo, cải biến để phù hợp với thị hiếu người dùng. Men sử dụng cho sản phẩm là loại men đặc biệt, được tinh chế công phu từ thiên nhiên như men ta được làm từ tro rơm, men màu xanh đồng, men đá chế biến từ đá ong Biên Hòa... Trong đó men xanh đồng trổ bông "Vert de Bienhoa" và men đá đỏ là 2 màu giúp gốm Biên Hòa tách biệt với gốm sứ Pháp và gốm dân dụng của Tân Vạn, Lái Thiêu.
Bên cạnh đầu tư cho chất lượng sản phẩm, anh Xin cũng không ngừng tìm kiếm khách hàng, mở rộng các kênh phân phối trên 7 tỉnh, thành trong nước. Anh không tiếc thời gian và tiền bạc để tham gia các sự kiện mỹ thuật, triển lãm từ Nam ra Bắc để gốm Biên Hòa được biết đến nhiều hơn.
Hiện mỗi tháng cơ sở cho ra đời khoảng 200 sản phẩm, chủ yếu là các đơn hàng quà tặng, trang trí nội thất. Để tìm hướng đi cho sản phẩm gốm, cơ sở của anh hướng đến dòng sản phẩm chủ đạo có tính ứng dụng và mỹ thuật cao. Trong đó có những sản phẩm trang trí như đĩa, bình hoa, chân đèn… được sử dụng trong các công trình nội thất cao cấp, các nhà hàng, resort…
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các sản phẩm mừng xuân của đơn vị như bộ chóe 12 con giáp, đặc biệt là tượng mèo (linh vật năm Quý Mão) có khe bỏ tiền tiết kiệm rất được thị trường ưa chuộng. Không chỉ là vật dụng trang trí, sản phẩm còn là quà tặng biểu trưng cho lời chúc vạn sự cát tường, thịnh vượng, phú quý đến cho người sở hữu.
"Chúng tôi khát vọng phục dựng và phát triển, để gốm thủ công mỹ nghệ Biên Hòa được hòa chung dòng chảy lịch sử cùng các dòng gốm Việt khác. Gốm chúng tôi làm ra mang linh hồn Việt, mang quá khứ đến gần hơn với hiện tại", anh Mai Thanh Xin - Giám đốc Công ty Gốm Biên Hòa - bày tỏ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/van-hoa/cong-ty-gom-bien-hoa-khat-vong-tim-lai-hao-quang-cho-dong-gom-co-20230209142150483.htm